Nếu người bệnh biết được những dấu hiệu bệnh trĩ giai đoạn đầu và sớm có biện pháp can thiệp thì việc điều trị không quá khó. Cùng tìm hiểu những dấu hiệu này và cách điều trị hiệu quả để bệnh trĩ không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
1. Biểu hiện của bệnh trĩ giai đoạn đầu
Trĩ là bệnh lý khá phổ biến, tuy không gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nhưng nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ tiến triển, phát triển nặng làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Ở giai đoạn đầu những dấu hiệu của bệnh thường nhẹ và nếu điều trị đúng cách sẽ giúp khỏi bệnh nhanh chóng. Những dấu hiệu bệnh trĩ ở giai đoạn đầu thường là:
1.1. Biểu hiện thường gặp
Chảy máu khi đi đại tiện: Ở bệnh trĩ giai đoạn đầu, bạn có thể quan sát thấy phân có lẫn máu tươi hoặc giấy vệ sinh, máu không nhiều. Càng về sau, lượng máu xuất hiện càng nhiều, máu có thể bắn thành các tia, gây khó chịu vô cùng. Nếu để ý bạn thấy phân có máu kèm đau bụng thi cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức vì đó đây có thể là biểu hiện của tình trạng chảy máu đường tiêu hóa và nếu không can thiệp kịp thời sẽ có thể để lại các biến chứng nghiêm trọng sau này.
Sa búi trĩ: Đây cũng là một biểu hiện thường gặp ở những người bệnh trĩ và thường xuất hiện ở cả giai đoạn đầu hoặc các giai đoạn khác về sau. Tùy theo mức độ sa của búi trĩ, mà có thể gây khó chịu và đau đớn khác nhau cho bạn. Nếu thấy có dấu hiệu sa búi trĩ, bạn nên đến gặp bác sĩ nhanh chóng vì nếu để lâu dài, tình trạng sa búi trĩ có thể trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Đau rát nhẹ khi đi đại tiện: Đây là biểu hiện mà một số người bị trĩ có thể gặp khi đi đại tiện ở giai đoạn đầu của bệnh trĩ. Cũng có thể tình trạng đau khi đi đại tiện là do các nguyên nhân khác. Nên khi thấy đau rát nhẹ khi đại tiện diễn ra trong thời gian dài thì bạn nên đi khám.
1.2. Biểu hiện theo loại bệnh
Bệnh trĩ được chia thành các cấp độ theo mức độ nặng tăng dần của bệnh và dựa vị trí mọc của các búi trĩ được chia làm 2 loại chính là trĩ nội và trĩ ngoại. Mỗi loại có đặc điểm, dấu hiệu khác nhau để nhận biết nhưng cũng các dấu hiệu nhận biết chung như hậu môn sưng lên, đại tiện kèm chất dịch nhầy…
Trĩ nội: Ở giai đoạn đầu, các búi trĩ nội không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của bạn nên thường bạn sẽ không phát hiện ra bệnh trĩ. Khi đại tiện, có một ít máu được thải ra cùng với phân, đi kèm là cảm giác rát nhẹ. Khi chuyển sang giai đoạn nặng hơn, lúc đại tiện sẽ có thể thấy máu chảy thành từng giọt, búi trĩ bị sa ra ngoài. Bạn không chỉ thấy đau đớn và khó chịu, mà còn thấy bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Trĩ ngoại: Nếu trĩ nội khó nhận biết ở giai đoạn đầu thì trĩ ngoại dễ nhận biết và cũng dễ điều trị hơn. Ở giai đoạn đầu sẽ thấy có các nốt màu đỏ với kích thước nhỏ ở khu vực xung quanh lỗ hậu môn. Theo thời gian các nốt này sẽ lớn lên đem lại nhiều khó khăn, bất tiện cho bạn.
2. Bệnh trĩ giai đoạn đầu có gây ra nhiều nguy hiểm không?
Bệnh trĩ tuy không gây nguy hiểm hay đe dọa tới tính mạng của bạn nhưng chắc chắn làm bạn thấy khó chịu, lo lắng, ngại ngùng không dám thổ lộ với ai và lâu ngày gây phiền phức cho cuộc sống của bạn. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh có thể phát triển nặng gây đau rát, ngứa ngáy vùng hậu môn, chảy máu ra mủ nhiều tạo mùi hôi khó chịu cùng nguy cơ xuất hiện biến chứng như xuất huyết cấp, tắc mạch, nghẽn mạch, nhiễm trùng, hoại tử búi trĩ,… Vì thế để tránh biến chứng không mong muốn nên điều trị bệnh trĩ ngay khi thấy các dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn đầu.
3. Cách điều trị bệnh trĩ giai đoạn đầu
3.1. Điều trị bằng phương pháp dân gian tại nhà
Bệnh trĩ là bệnh lý không hiếm gặp nên từ lâu đã được dân gian áp dụng nhiều cách để trị bệnh trĩ bằng các thảo dược tự nhiên như ngải cứu, cúc tần, lá lốt, lá sung, nghệ tươi, diếp cá, rau mùi, quả đu đủ, hạt gấc, lá trầu không… Các thảo dược này có tác dụng nhuận tràng, cầm máu, giúp cải thiện tình trạng trĩ. Các phương pháp dân gian này thích hợp với bệnh trĩ giai đoạn đầu.
3.2. Sử dụng thuốc Tây điều trị
Có nhiều loại thuốc Tây được dùng trong điều trị bệnh trĩ và tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc gì, người bệnh không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc chống viêm, giảm đau: Các loại thuốc như Ibuprofen, Diclofenac, Paracetamol,… có thể được dùng để điều trị triệu chứng đau rát, khó chịu và sưng viêm ở niêm mạc hậu môn.
- Thuốc bôi hydrocortisone: Thuốc thường được bào chế ở dạng mỡ nhằm làm mềm và dịu vùng da ở hậu môn. Thuốc còn có tác dụng giảm viêm, đau rát và khó chịu.
- Thuốc chứa rutin: Rutin là thành phần có tác dụng làm bền thành mạch khiến tĩnh mạch hậu môn tăng độ dẻo dai, giảm tính thấm và hạn chế tình trạng vỡ. Nhóm thuốc này giúp phòng ngừa biến chứng của bệnh trĩ, đồng thời giúp làm giảm phù nề và xung huyết ở tĩnh mạch.
- Thuốc gây tê giảm đau dạng bôi: Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc gây tê và giảm đau tại chỗ như Trimebutine, Medicone và Dibucaine… trong trường hợp cơ trơn ở hậu môn co thắt quá mức và làm phát sinh cơn đau.
- Thuốc co mạch: Các loại thuốc co mạch như Epinephrine, Phenylephrine và Norepinephrine có tác dụng thu nhỏ mạch máu, giảm kích thước búi trĩ và giúp búi trĩ tiêu biến theo thời gian. thích hợp với bệnh trĩ ở giai đoạn mới khởi phát.
- Thuốc bôi sát trùng: Để ngăn ngừa viêm nhiễm người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc bôi sát trùng chứa Zinc oxide, Boric acid, Oxyquinoline, Neomycin,…
4. Một số phương pháp đơn giản phòng bệnh trĩ
Để có thể phòng bệnh trĩ, bạn nên chú ý thay đổi thói quen sinh hoạt và lối sống cùng chế độ ăn uống, cụ thể là:
- Hàng ngày, chế độ ăn nên có nhiều chất xơ và bổ sung vitamin như rau củ… Ăn nhiều rau xanh và nước ép hoa quả giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, nhuận tràng và giảm tình trạng táo bón. Từ đó cũng giúp phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả.
- Bên cạnh đó bạn nên tập thể dục thường xuyên, tránh ngồi một chỗ quá lâu. Các bài tập được chuyên gia khuyến cáo là thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng hoặc yoga.
- Bạn nên uống nhiều nước và nên uống ít nhất 2 lít nước một ngày. Uống nước lọc hay có thể thay bằng nước ép trái cây, nước hoa quả…
- Đi vệ sinh đúng cách cũng là một cách phòng bệnh trĩ hiệu quả. Việc ngồi quá lâu sẽ tạo ra lực lớn lên phần tĩnh mạch hậu môn, gia tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Do đó bạn không nên tránh ngồi một chỗ quá lâu, nên thường xuyên vận động, đi lại. Bạn nên kê thêm một chiếc ghế cao khoảng 15cm khi đi vệ sinh để làm giảm áp lực của cơ thể xuống vùng hậu môn. Thời gian đi vệ sinh không nên quá 5 phút và hạn chế dùng sức rặn.
- Bạn nên chọn loại giấy vệ sinh mềm vì giấy thô ráp có thể khiến bạn khó chịu, đau rát và khiến các búi trĩ bị xước, vỡ ra, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì thế, nên lựa chọn các loại giấy vệ sinh mềm để làm hoặc các loại giấy ướt để làm dịu và giảm đau như khăn ướt y tế, khăn ướt có thành phần lô hội, vitamin E,…